26/07/2022
Tri ân, chuyện tháng Bảy - Bài 6: Gặp cha sau nửa thế kỷ ở Nghĩa trang Đường 9

Hành trình đi tìm mộ cha mình của ông Sỹ kéo dài hơn nửa thế kỷ. Cầm tờ giấy báo tử của bố trên tay, với thông tin ít ỏi “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”, ông lặn lội từ Bắc đến Nam, tìm khắp các nghĩa trang liệt sĩ. Lúc hành trình tìm cha tưởng chừng vô vọng thì may mắn thay, trong dịp ghé dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, đọc tên những anh hùng liệt sĩ trong 1 ngôi mộ tập thể, ông vỡ òa sung sướng khi thấy tên cha mình-liệt sĩ Phùng Văn Môn.


Bà Phạm Thị Hoa - vợ liệt sĩ Phùng Văn Môn ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Đoàn khách từ xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tỉnh Quảng Trị vào một ngày tháng Bảy. Trong số những người đi thắp hương viếng người thân tại khu mộ liệt sĩ tỉnh Thái Bình, có 1 người đàn ông làn da rám nắng, đôi mắt đảo quanh những phần mộ như đang tìm kiếm điều gì đó. Một lúc sau, ông dừng lại bên tấm bia khắc tên nhiều liệt sĩ ở ngôi mộ tập thể, đọc 1 lượt từ trên xuống.

Đọc đến hàng chữ "liệt sĩ Phùng Văn Môn" với đầy đủ thông tin năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh, đôi chân ông Sỹ quỵ xuống, nước mắt trào ra, cảm xúc vỡ òa: “Bố ơi, con tìm thấy bố rồi. Bố nằm ở đây sao bố không nói cho con biết. Hơn nửa thế kỷ xa nhau rồi bố ơi”. Vậy là ông Phùng Văn Sỹ, 58 tuổi, quê ở xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã tìm được mộ của bố (liệt sĩ) sau hơn nửa thế kỷ.

Anh Thắng bảo: “Cũng là nhân duyên, cha tôi tìm được mộ của ông tôi. Cha tôi xúc động quá đã điện ngay báo tin cho gia đình. Nhận thông tin mọi người bàn với nhau, thuê 1 chuyến xe đi vào trong này để thắp cho ông nén hương, được nhìn thấy tên trên bia đá, phần mộ, vậy là gia đình thấy hạnh phúc lắm”.

Ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ, ông Sỹ không biết theo hướng nào nên cứ bước đi theo linh cảm, tay cầm nén hương, miệng khấn "bố sống khôn chết thiêng, phù hộ cho con tìm được mộ bố". Tên của bố ông ghi trong danh sách 112 liệt sĩ Sư đoàn 320 trên bia ngôi mộ tập thể. Ông Sỹ mở tập hồ sơ về người bố liệt sĩ mà ông luôn mang bên mình mỗi khi đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Thông tin ghi trên bia đá trùng khớp với hồ sơ, sau hàng chục năm mỏi mòn tìm kiếm, gia đình ông đã tìm được bố.

Người lính trẻ Phùng Văn Môn vào chiến trường lúc con trai duy nhất Phùng Văn Sỹ tròn 2 tuổi. Năm 1966, ông Môn về thăm nhà, để lại chiếc mũ tai bèo tặng con trai. Gia đình không ngờ lần về nhà đó chính là lần cuối cùng vợ gặp chồng, con gặp cha.

Năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320 báo tin liệt sĩ Phùng Văn Môn hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam. Quỳ xuống trước tấm bia mộ tập thể trong khuôn viên Nghĩa trang Đường 9 thơm ngát trầm hương, ông Sỹ khóc nức nở.

Nắng tháng 7 xứ Quảng Trị ràn rạt gió Lào, lưng áo ông Sỹ ướt đẫm, từng giọt mồ hôi rơi xuống xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc. Hành trình tìm mộ cha suốt mấy chục năm không biết mệt mỏi của ông Sỹ đã có điểm đến. Ông nghẹn ngào xúc động, thấy rất an lòng vì bố được nằm chung với đồng đội, ở một nghĩa trang khang trang, và từ nay con cháu biết phần mộ để đến hương khói.

Ông Sỹ bảo: “Cha tôi rất linh thiêng, đưa tôi đến tận mộ, nhìn thấy tên cha, quê quán, ngày tháng năm sinh, đơn vị, ngày hy sinh đúng trong giấy báo tử. Tôi nghẹn ngào bởi sau 59 năm bố con mới gặp nhau. Sau khi tôi tìm được cha tôi sẽ đưa mẹ tôi vào đây để thăm cha, đưa tất cả anh em, con cháu, chắt vào đây cầu xin đưa hương hồn ông về quê phụng thờ”.

Ông Sỹ rời xa vòng tay của cha từ khi mới 2 tuổi rồi vĩnh viễn cách biệt âm dương. Đến tuổi trưởng thành, ông đi nhiều nơi, tìm gặp các cựu binh Sư đoàn 320 để hỏi thông tin nơi cha mình nằm lại. Để tìm mộ cha, ông đã đi khắp dải đất miền Trung, vào các nghĩa trang ở Đà Nẵng rồi lên tận Tây Nguyên, tìm ở vùng rừng núi.

Manh mối duy nhất để tìm cha đó là tờ giấy báo tử ghi liệt sĩ Phùng Văn Môn hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam, thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo, nhưng không đề rõ nơi hy sinh và chôn cất.

Sau đó, chỉ cần nghe thấy được 1 thông tin về cha dù là rất ít ỏi là ông Sỹ khăn gói lên đường, đi đến tận nơi nhưng vẫn vô vọng. Đến lúc tưởng chừng mất hết hy vọng thì sự may mắn đã đến...

Tìm thấy cha, ông Sỹ lập tức trở về quê, vay mượn người thân thêm chút tiền làm lộ phí rồi đưa mẹ cùng 16 người thân là chú bác, con cháu thuê ôtô vào Quảng Trị. Bà Phạm Thị Hoa, 81 tuổi, vợ liệt sĩ Phùng Văn Môn. Đôi bàn tay của bà run rẩy sờ lên tấm bia đá khắc tên liệt sĩ. Rồi bà bước đi chậm rãi quanh ngôi mộ tập thể của 112 liệt sĩ Sư đoàn 320.

Ngồi xuống bên ngôi mộ, những giọt nước mắt của bà lăn dài trên má, hình ảnh của chồng lấp đầy trong ký ức. Hơn nửa thế kỷ thờ chồng nuôi con cũng là chuỗi thời gian bà khắc khoải mong ngóng tìm được nơi yên nghỉ của chồng.

Bà Phạm Thị Hoa rưng rưng nước mắt: “Đi tìm bao nhiêu năm mà không biết ông nằm ở đâu, cứ nghĩ là chắc ông hy sinh ở nơi nào đó ở biển, ở sông ngòi, rừng núi không còn thân xác nữa, không biết chồng mình có được nằm nơi nghĩa trang nào đó hay không. Vào đây rồi, mừng là ông được nằm ở đây. Bây giờ cùng con cháu vào thắp hương cho ông, sau đó khấn vái xin “chân nhang” rồi khấn hương hồn ông theo vợ con về nhà”.

Gạt nước mắt, bà Phạm Thị Hoa cùng các con, cháu sắp xếp 112 bộ áo quần bộ đội bằng giấy để "hóa vàng" bên mộ của chồng và đồng đội chồng đang nằm. Bà Hoa năm nay tuổi đã cao, mỗi chuyến đi xa từ Thái Bình vào Quảng Trị rất vất vả.

Hiểu được tâm tư của bà nội, anh Phùng Văn Thắng, cháu nội liệt sĩ Phùng Văn Môn hứa với bà rằng ít nhất mỗi năm 1 lần, anh sẽ vào Quảng Trị để thăm ông để bà nội phần nào an lòng hơn. Anh Thắng bảo, về quê anh và cha sẽ viết thư gửi thân nhân của các liệt sĩ nằm chung ngôi mộ với ông - liệt sĩ Phùng Văn Môn - để báo tin, vì biết đâu các thân nhân đó cũng chung hoàn cảnh như gia đình anh cũng mỏi mòn đi tìm người thân.


Tác giả bài viết: HỮU THÀNH-HIẾU THANH

Nguồn tin: Tiền phong / số 206 / trang 8+9 / ngày 25.7.2022