07/04/2022
Thiết chế Thư viện trong xây dựng mô hình xã hội học tập thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ở Việt Nam

Có thể nói, xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại ở thời kỳ hậu công nghiệp. Đó cũng là đòi hỏi của yêu cầu phát triển kinh tế, của tiến bộ khoa học và của sự phát triển con người thời đại mới.


lãnh đạo tỉnh và bạn đọc đến với thư viện. ảnh: Nguyễn Hoài Diệp

Học tập suốt đời, học tập thường xuyên, học tập cho mọi người là nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học. Đây cũng là nội dung cốt lõi của khái niệm xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng trong bối cảnh thế giới đang có những đổi thay to lớn và nhanh chóng trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, sự bùng nổ của cách mạng thông tin.

Tư tưởng đó, nội dung đó được thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng khi nhấn mạnh "Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện: "giáo dục cho mọi người", "Cả nước trở thành một xã hội học tập" và được Văn kiện Đại hội X nêu rõ thêm "Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống giáo dục suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người với những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục".

Có thể nói xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại ở thời kỳ hậu công nghiệp. Đó cũng là đòi hỏi của yêu cầu phát triển kinh tế, của tiến bộ khoa học và công nghệ và cũng là đòi hỏi của sự phát triển con người ở thời đại mới.

Trước khi khẳng định văn hóa với những biểu hiện cụ thể của nó, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tức là chúng ta đã coi chất lượng con người, kiến thức của con người là những yếu tố vô cùng quan trọng trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Với cách đặt vấn đề như vậy, chúng ta càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Đó là góp phần xây dựng con người Việt Nam cả về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống và nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh vững vàng, ngang tầm với sự nghiệp đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với những thiết chế văn hóa khác, thư viện với những nhiệm vụ đưa tri thức đến với nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp “trồng người” đó. Vì vậy, trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, thư viện càng phải xác định vai trò, nhiệm vụ của mình.

Theo Điều 13 pháp lệnh Thư viện đã nêu rõ các nhiệm vụ của thư viện là:

1. Đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trong việc sử dụng vốn tài liệu thư viện và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức;

2. Thu thập, bổ sung và xử lý nghiệp vụ vốn tài liệu; bảo quản vốn tài liệu và thanh lọc ra khỏi kho các tài liệu lạc hậu, hư nát theo quy chế của thư viện;

3. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giới thiệu vốn tài liệu thư viện, tham gia xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, báo trong nhân dân;

4. Xử lý thông tin, biên soạn các ấn phẩm thông tin khoa học;

5. Thực hiện sự liên thông giữa các thư viện trong nước; hợp tác, trao đổi tài liệu với thư viện nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

6. Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác thư viện, từng bước hiện đại hóa thư viện;

7. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện;

8. Bảo quản cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài sản khác của thư viện.

Như vậy, thư viện có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và đời sống văn hóa địa phương, đặc biệt trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, tạo lập một môi trường văn hóa phù hợp với yêu cầu CNH – HĐH, có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả, thời gian và định hướng đúng đắn cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn. Điều đó yêu cầu nghành thư viện phải xác định một chiến lược phát triển lâu dài từ quan niệm, cách nhìn, hướng đi và hướng đến một cách phù hợp với quy luật; phải xây dựng được một hệ thống mạng lưới thư viện, phòng đọc sách cơ sở để phục vụ nhân dân; phải thể hiện được nhiệm vụ và quyền của hệ thống thư viện, phòng đọc sách cơ sở, đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các địa phương; bên cạnh đó phải xây dựng được mối quan hệ tốt giữa những người làm công tác thư viện với nhân dân, giữa nhân dân với vốn tài liệu của thư viện, dần dần tạo thói quen đọc sách báo phục vụ công việc hằng ngày, hỗ trợ cho công việc CNH-HĐH đất nước ở địa phương; phải hết sức đề cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nói chung, sách báo nói riêng cho nhân dân, làm cho lối sống của nhân dân trong cơ chế thị trường, thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc dân tộc với văn minh của thời đại, giữa giá trị văn hóa phương Đông với giá trị văn hóa phương Tây; đồng thời từ đó thư viện tỉnh phải đóng vai trò là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc CNH-HĐH đất nước trên cơ sở thực hiện quan điểm giáo dục mới dựa trên 4 điểm: “Học để biết - Học để làm - Học để cùng chung sống - Học để tự khẳng định mình”, nhằm tạo ra con đường tốt nhất để kết hợp văn hóa với khoa học công nghệ, với nền kinh tế… trong tình hình hiện nay.

 Người ta thường nói rằng, thời đại ngày nay là “thời đại thông tin”, với những thuật ngữ như “bùng nổ thông tin”, “xã hội thông tin”. Thậm chí một số nhà triết học và xã hội học nổi tiếng của Pháp như Lucien Sève, Edgar Morin đã dùng đến khái niệm“cách mạng thông tin”. Các tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin đã trở thành “đôi hài bảy dặm” giúp cho thư viện đóng góp nhiều thành quả của mình vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Những quan điểm lạc quan về vai trò của thư viện cho rằng, nhờ các tiến bộ của cuộc cách mạng thông tin, thư viện trở thành sự nối dài của hệ thần kinh và các giác quan của con người trong xã hội hiện đại.

Với những vai trò nêu trên chúng ta thấy được sự quan trọng của thiết chế Thư viện trong mô hình xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Pháp lệnh Thư viện.- H.: Chính Trị Quốc Gia, 2001.

2. Khoa học xã hội và nhân văn với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.- H.: Chính Trị Quốc Gia, 2000.

3. Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam. - H.: Dân Trí, 2012.


Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài Diệp

Nguồn tin: Nguyễn Hoài Diệp