25/08/2021
Lễ rước dâu đầu tiên qua Vĩ tuyến 17 sau ngày thống nhất

Cách đây 47 năm, đám cưới của ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên có lễ rước dâu qua cầu Hiền Lương sau hơn 20 năm đất nước chia cắt. 


Vợ chồng ông Nghi đưa các cháu dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương để ôn lại kí ức đám cưới đặc biệt của mình trong một dịp lễ 30/4.

Mối nhân duyên đặc biệt

Năm 1972, ông Nghi là đội trưởng du kích địa phương tại thôn Hiền Lương (ở bờ Bắc sông Bến Hải), còn bà Hoa là du kích thôn Tam Hữu, thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (phía bờ Nam).

Thời điểm này, làng quê của bà Hoa bị địch đánh phá ác liệt nên bà phải đưa người dân sơ tán ra bờ Bắc sông Bến Hải, trong đó có người cha của mình đang bị thương nặng.

Do lạ đường, nên thay vì qua sông ở bến đò B Cửa Tùng, bà Hoa lại đi lạc vào làng Hiền Lương rồi vô tình gặp ông Nghi. Biết chuyện, ông Nghi bèn nhiệt thành giúp đỡ, tận tình chăm sóc cha của bà Hoa.

Ở được một thời gian, bà Hoa tiếp tục vượt sang bờ Nam Bến Hải tiếp tục công tác, phục vụ kháng chiến. Từ lúc bà Hoa đi, vô tình gửi lại thương nhớ ngày càng lớn lên trong lòng chàng dân quân dũng cảm, tốt bụng.

Đêm ngóng ngày trông dài đằng đẵng nhưng vẫn không thấy bóng dáng o du kích lạc đường trở lại. Cuối cùng, tình cảm đã thôi thúc ông Nghi đôi lần vượt dòng Bến Hải đi tìm bà Hoa theo địa chỉ được bà để lại trước ngày trở vào Nam.

Lần đi đầu tiên nhưng không gặp được người thương, ông Nghi buồn bã trở về. Sau dò hỏi thông tin, ông mới biết bà Hoa cũng ra chiến trường, gùi tăng, cõng gạo... Không nản chí, vài tháng sau ông lại tiếp tục vào Triệu Phong, đúng lúc gặp bà Hoa đi làm nhiệm vụ trên đường trở về.

Hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Suốt hơn nửa năm bặt vô âm tín, cuối cùng cả hai mới gặp lại nhau. Ông cũng chỉ kịp trao tặng bà tấm áo ấm rồi ai nấy trở lại vị trí chiến đấu.

Những cánh thư đi, tin lại, cái nhận được, cái thất lạc do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng cả hai người đều không nguôi hy vọng sẽ có một ngày được đoàn tụ bên nhau khi Tổ quốc bình yên.

“Nhớ lại hình ảnh cây cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập vào năm 1967 và con sông giới tuyến vẫn từng ngày chở đau thương chia cắt. Khao khát đất nước thống nhất, non sông liền một dải càng trỗi mạnh trong tôi hơn bao giờ hết. Đến khi Hiệp định Paris được Ký kết vào tháng 1/1973, chúng tôi đã thấy ngày về chung một nhà đang đến rất gần”, ông Nghi kể lại.

Tổ ấm nơi mom sông Bến Hải

Đầu năm 1974, cây cầu Hiền Lương đã được xây dựng lại bằng bê-tông cốt thép, dài 186m, rộng 9m, có hành lang người đi bộ rộng 1,2m. Người dân đôi bờ vỹ tuyến hân hoan nắm tay nhau vỡ òa hạnh phúc. Trong niềm vui lớn ấy, ông Nghị và bà Hoa quyết định tổ chức đám cưới, ra mắt họ hàng, bạn bè hai bên gia đình.

Từ quê bà Hoa, chèo đò qua sông, vượt thêm hơn 50km mới đến bờ Nam chân cầu Hiền Lương. Nhà trai vui đợi để rước dâu về làng. Bà con ở quanh bờ giới tuyến cũng đến chờ để chúc mừng đôi uyên ương. Ông Nghi ân cần dắt tay bà Hoa đi bộ trên chiếc cầu lịch sử. Kể từ đây, hai ông bà không còn phải cảnh người Nam - kẻ Bắc. Trong lòng phơi phới nghĩ về tương lai, đặc biệt là niềm tin đón đợi ngày miền Nam giải phóng, non sông thu về một dải…

“Hồi đó, hoàn cảnh khó khăn, tiệc cưới chỉ có ít bánh kẹo, dọn cùng bát nước chè xanh. Trên bức tường của hội trường lễ cưới được làm bằng tre có dán hình đôi bồ câu tung bay, cùng câu khẩu hiệu “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà, Thắm tình non nước thắm tình ta”. Hành trang mang về nhà chồng cũng chỉ một túi nhỏ đựng vài bộ áo quần. Dù khổ nhưng ai nấy đều vui vì đất nước đang từng ngày được giải phóng”, bà Hoa nhớ lại.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, niềm vui lại nhân đôi khi ông bà đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Ông đặt tên con là Hoàng Hữu - tên quê bà. Họ có với nhau tất thảy 4 người con. Ông chọn mảnh đất ngay bờ sông Bến Hải để dựng nhà. Ông bảo rằng, chính nơi này ông gặp được bà rồi nên duyên chồng vợ. Bởi vậy ông muốn cùng bà sống trọn đời nơi buổi đầu gặp gỡ. Cũng là để nhắc nhở cháu con về cuộc sống gia đình, dẫu có bộn bề sóng gió, khó khăn thì tình cảm dành cho nhau vẫn không thể dứt rời.

Vào năm 2004, cây cầu lịch sử Hiền Lương tiếp tục chứng kiến thêm một cuộc trùng phùng nữa của gia đình ông Nghi, khi vợ chồng ông bà tổ chức đám cưới cho anh Hữu - người con trai đầu và rước dâu từ bờ Nam qua cầu Hiền Lương.

Anh Hữu, con trai của ông bà cưới vợ là chị Trần Thị Thu Huệ ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh ở bờ Nam. Cuộc đoàn viên hạnh phúc của hai thế hệ trong một gia đình cùng diễn ra trên cây cầu giới tuyến lịch sử, như là minh chứng cho sự gắn kết sắt son đôi bờ Nam - Bắc, cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, nhưng tình cảm hai ông bà dành cho nhau vẫn mặn nồng như thuở ban đầu.

Những dịp 30/4 đến, ông bà lại đưa con cháu ra cây cầu Hiền Lương dạo bước. Để lắng nghe huyền thoại dòng Bến Hải và ôn lại những ký ức về “thời hoa lửa”, cũng như về đám cưới đặc biệt của mình được chính cây cầu và dòng sông lịch sử này vun đắp và chứng kiến tình cảm son sắt... 

 


Tác giả bài viết: Phạm Quyên

Nguồn tin: Giáo dục và Thời đại / số 198 / trang 16 / ngày 19.8.2021